Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng bênh có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, nhiễm trùng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách.
Thủy đậu hay còn gọi là trái rạ, là một bệnh do virus gây ra thường gặp và dễ lây lan. Biểu hiện của bệnh mà ai cũng có thế nhận biết là nổi nhiều mụn rộp nước ở khắp cơ thể, niêm mạc miệng, lưỡi, âm đạo. Khi bị thủy đậu cơ thể tự sản xuất kháng thể chống lại virus và kháng thể này tồn lại lâu dài, vĩnh viễn. Vì vậy, mọi người hầu như chỉ mắc một lần trong đời.
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan và lây lan qua các chất dịch từ nốt phỏng rộp, qua đường hô hấp (những giọt nhỏ trong không khí từ miệng, mũi của người bị nhiễm khi hắt hơi, ho, chảy nước mũi…). Bệnh cũng có thể lây qua sự tiếp xúc đến quẩn áo, vải trải giường dính chất dịch từ nốt phỏng, dịch tiết của bệnh nhân. Bệnh có thể lây từ vài ngày trước khi nổi ban đến khi các nốt phỏng đóng vẩy.
Bệnh thủy đậu thường khởi phát với các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, viêm đường hô hấp trên: chảy mũi, hắt hơi, ho. Sau 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh với triệu chứng nổi mụn nước ở toàn thân: đầu mặt, chi, thân không theo thứ tự. Mụn nước xuất hiện nhanh trong vòng 12 đến 24h và có nhiều kích cỡ khác nhau. Kích thước của mụn nước khoảng 1-3 mm, chứa dịch trong. Khi bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày nếu không có biến chứng.
Biến chứng của thủy đậu chủ yếu là nhiễm trùng. Nhiễm trùng da nơi mụn nước, vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não –màng não là biến chứng nặng để lại nhiều di chứng về sau. Sau khi khỏi bệnh virus vẫn có thể tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông và nhiều năm sau đó, khi có điều kiện thuận lợi thì virus này sẽ tái hoạt động gây ra bệnh zona hay gọi là bệnh giời leo. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị thủy đậu thì có khả năng sẽ gây sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh.
+ Cách ly con với trẻ khác, không cho trẻ đến trường học, nhà trẻ, nơi tập trung nhiều trẻ, nhà văn hóa… Khi tiếp xúc với người bị thủy đậu nên đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.
+ Cần tránh làm vỡ các nốt phỏng vì sẽ gây bội nhễm và thành sẹo. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì có thể thành sẹo.
+ Dùng dung dịch xanh Methyene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
+ Uống nhiều nước, hoa quả, rau củ để bổ sung đủ nước và vitamin cho cơ thể như bưởi, cam, ổi… để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
+ Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay, chân sạch sẽ, tắm bằng nước ấm, không tắm quá lâu. Có thể tắm bằng lá kim ngân, bọt biển mát để giảm ngứa. Cắt móng tay ngắn để tránh trầy xước và nhiễm trùng. Tuy nhiên nên kiêng gió. Vì khi bị thủy đậu, hệ miễn dịch lúc này đang suy yếu. Nếu bạn tiết xúc với gió sẽ tạo điều kiện cho các loại virus xâm nhập vào cơ thể. Mặc quần áo vải mềm, tránh cọ sát với nốt phỏng gây vỡ.
+ Kiêng ăn đồ tanh, đồ nếp, thịt gà… có thể khiến vết phỏng mưng mủ.
+ Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bàn chải…
Khi trẻ cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết ở nốt phỏng thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.
Tiêm văc xin thủy đậu là cách phòng bệnh hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể chống lại virus thủy đậu.
Thủy đậu là bệnh phổ biến và rất dễ lây lan. Vì vậy, tất cả mọi người nên tìm hiểu kỹ hơn về bệnh thủy đậu để biết cách chăm sóc hiệu quả nhất tránh các biến chứng nguy hiểm. Trên đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu. Hi vọng sẽ giúp ích cho mọi người.